Quyết định giảm 1% lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 28/5 đã được thị trường đón đợi từ lâu và còn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới của năm.
Kỳ vọng này cũng được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa diễn ra cuối tuần qua. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn giảm và việc điều hành lãi suất sẽ căn cứ vào lạm phát mục tiêu, dự kiến 7 - 8%.
Giảm nữa không khó
Trên thực tế, mức giảm 1% của NHNN vừa qua có phần gây thất vọng cho thị trường, bởi với tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay và diễn biến lạm phát trong thời gian qua, nhiều chuyên gia dự báo mức giảm sẽ là 2%.
Ông Đặng Bảo Khánh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), nhận định với diễn biến tích cực của lạm phát và thanh khoản của hệ thống ngân hàng như hiện nay thì việc giảm lãi suất huy động xuống 10%/năm vào cuối năm nay không phải là điều khó. Để thực hiện được mục tiêu này, chắc chắn Chính phủ và NHNN sẽ có sự cân đối để lạm phát không diễn biến theo chiều hướng xấu đi và giữ ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao để lãi suất được ổn định, điều này rất quan trọng bởi nó sẽ kích thích nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Vậy nhưng, suốt từ năm 2010 đến nay, lãi suất biến động khó lường. Từ mức trung bình 18%/năm của năm 2010, lãi vay đã lên mức trung bình khoảng 22%/năm trong năm 2011, thậm chí có những hợp đồng vay vốn lên mức 26 – 27%/năm. Mặc dù lãi suất cho vay năm 2012 đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 17%/năm. Đây là mức lãi suất quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp trong hoàn cảnh hiện nay.
“Vì vậy, Nhà nước nên sớm ổn định lại lãi suất, có thể duy trì lãi suất huy động ở mức 10-11%/năm và cho vay 12-13%/năm, nhưng phải giữ được lâu dài trong vài năm tới. Chứ không phải chỉ trong vài tháng rồi lại bất ổn khiến doanh nghiệp không yên tâm. Như trong 2 năm qua, lãi suất tăng, giảm mạnh khiến doanh nghiệp thận trọng trong đầu tư, tái đầu tư, mất đi động lực phát triển nền kinh tế”, ông Khánh phân tích.
Để làm được điều này, yếu tố tiên quyết phải là ổn định lạm phát. Có nghĩa, kinh tế vĩ mô phải ổn định để kiềm chế “bước nhảy” của lạm phát. Như vậy, chính sách tiền tệ mới ổn định và lãi suất cũng từ đó mà ổn định trong biên độ nhỏ.
Đối diện với xu hướng giảm của lãi suất hiện nay, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đã đặt ra câu hỏi: “Giảm để làm gì? Doanh nghiệp có tiếp cận được vốn từ ngân hàng đâu? Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay của Chính phủ là làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ này”.
Ông này còn cho biết thêm, vấn đề của doanh nghiệp ông chính là khoản nợ cũ mà doanh nghiệp chưa thể trả được để vay nợ mới dù đã được ngân hàng giãn nợ và ông muốn biết, làm thế nào để ông có thể tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng? Đây là bài toán của không chỉ ông chủ doanh nghiệp này mà của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Vấn đề là đầu ra
Trên thực tế, đây đang là bài toán đau đầu của nhiều cơ quan quản lý. Chưa bao giờ lại diễn ra tình trạng ngân hàng thừa vốn không biết làm gì phải đi mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu của NHNN, còn doanh nghiệp thì cứ điêu đứng, kiệt quệ vì thiếu vốn. Vậy nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp nào, ngành nghề nào khi mà hầu hết doanh nghiệp các lĩnh vực đều khó?
Không những thế, thực tế còn cho thấy một vấn đề, doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng thì không dám vay vì chi phí vốn lớn, trong khi nhiều doanh nghiệp dám vay song do nợ xấu nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng của phía ngân hàng. Đây là một bài toán mà cơ quan điều hành phải tập trung làm rõ, tháo gỡ.
Để giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn ngân hàng do nợ xấu, NHNN đã ban hành Quyết định số 780 ngày 23/4/2012 cho phép các ngân hàng giãn nợ, đảo nợ của những doanh nghiệp có dự án hiệu quả, nhằm giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, NHNN còn tiếp tục gửi công văn giục 14 ngân hàng thương mại lớn đẩy nhanh cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.
“Trong điều kiện hiện nay, chắc không có ngân hàng nào thực hiện được mục tiêu đề ra là thu hồi hết được lãi phạt do nợ quá hạn của doanh nghiệp. Vì vậy, những gì có thể làm được để hỗ trợ doanh nghiệp thì ngân hàng cũng đã làm rồi”, ông Khánh cho biết.
Thực tế, hầu hết các ngân hàng đều đã thực hiện giảm lãi cho các khoản vay cũ, tái cơ cấu, khoanh nợ, giãn nợ cho những doanh nghiệp đủ điều kiện. Những doanh nghiệp còn lại không đủ điều kiện, do vậy ngân hàng không thể tái cơ cấu mà phải xử lý để thu hồi nợ.
Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp không chỉ nằm ở lãi suất mà còn ở nợ xấu. “Vì vậy, ngoài việc giảm lãi suất cho vay để khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân thì biện pháp then chốt là phải giải quyết phần lớn nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 4,5”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, để giải quyết khoản nợ xấu này, Chính phủ không thể trông chờ vào sự tự giác của các ngân hàng mà cần phải rót tiền vào để mua lại khoản nợ xấu.
Thực tế cho thấy, sau một thời gian hô hào giảm lãi suất và lãi suất đã giảm, tuy còn ở mức cao, song số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng vẫn rất khó khăn. Điều đó cho thấy, lãi suất không phải là điều kiện tiên quyết cho nhu cầu vốn vay, mà còn rất nhiều vấn đề, mà nguyên nhân đều xuất phát từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô và khoản nợ xấu khổng lồ của nền kinh tế. Cần phải giải quyết thế nào và trong thời gian bao lâu để nền kinh tế đang rơi vào tình trạng thiểu phát hẳn là bài toán cần phải có lời giải ngay từ cơ quan quản lý cũng Chính phủ.