Trong Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa tiêu biểu và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang được tổ chức vào tối 06/10 sẽ diễn ra sự kiện vinh danh Di sản ký ức thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận.
Chùa
Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La, chùa Đức La) thuộc địa bàn xã Trí Yên,
huyện Yên Dũng. Đây là trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả
nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Hơn 700 năm trôi qua, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đã tồn tại cùng với trời, đất và con người. Những
tư tưởng ấy đã và đang trên một hành trình vì nhân sinh, được tăng ni,
phật tử Thiền phái Trúc Lâm gìn giữ, lưu truyền trong thế gian thông qua
kinh sách về giáo lý, phật pháp.
Chùa Vĩnh Nghiêm - nơi đây còn lưu giữ trên 3.000 mộc bản là các thư tịch cổ về lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước, lịch sử nghề khắc in mộc bản.
Các
mộc bản được nghệ nhân ở Hải Dương chế tác trên loại gỗ thị già trong
vườn chùa. Theo ghi chép của nhà chùa, các mộc bản này ra đời trong
khoảng thời gian từ thế kỷ 16-19 phục vụ đào tạo tăng ni, phật tử Thiền
phái Trúc Lâm. Mỗi bản có hai mặt, khắc chữ Hán - Nôm âm bản (khắc
ngược) gồm nhiều nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà
Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ
nhất có kích thước khoảng 15 x 20 cm với những chạm khắc hoa văn độc
đáo.
Loại
sách kinh của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm phần lớn là do các Tổ sư
thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại và có cả sách kinh nguồn gốc từ
các nước Trung Hoa, Ấn Độ được các Ðức tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền,
chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam, ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú,
nhật ký của Mạc Ðĩnh Chi và một số vị cao tăng khác. Trong đó có những
bộ ván kinh Phật quý giá như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới
luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc
Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ, Ðại thừa chỉ quán, Giới kinh ni...
Trong
bộ mộc bản, có nhiều bộ ván in được chạm khắc cầu kỳ, tinh xỏa, đường
nét rõ ràng những hoa văn và họa tiết thể hiện triết lý của đạo Phật và
nằm trong bộ ván in sách được khắc sớm, đẹp nhất trong các bộ mộc bản ở
nước ta.
Qua
các mộc bản này, có thể thấy rõ những tư tưởng, giáo lý của Thiền phái
Trúc Lâm với các giá trị nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa
dân tộc, nhất là về thân thế, sự nghiệp của Ðức tổ Phật hoàng Trần Nhân
Tông và nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác của nước ta.
Tư
tưởng chủ đạo của Thiền phái Trúc Lâm là “cư trần lạc đạo”, “tức tâm
tức Phật”. Tư tưởng của Trúc Lâm là hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời,
mọi giáo pháp đều xuất phát từ khuynh hướng “nhập thế”. Do vậy, thực tại
cuộc sống là một yếu tố cấu thành giáo pháp. Việc hoằng dương Phật pháp
trước tiên phải tôn trọng thực tế cuộc sống với đặc điểm dân tộc, làm
cho dân tộc trường tồn. Về phương diện lịch sử tư tưởng, Thiền phái Trúc
Lâm có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển tư tưởng dân tộc Việt
Nam. Trên nền tảng tư tưởng của những Thiền phái Phật giáo đã có từ
trước như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, có tiếp thu các
Thiền phái Trung Hoa, đặc biệt là Lâm Tế (với biện pháp hành thiền
quyết liệt), Thiền phái Trúc Lâm là tổng hoà những tư tưởng đó, nâng cao
về phương diện bác học, đưa Thiền học vào cuộc sống bằng cách coi trọng
yếu tố thực tiễn Việt Nam.
Cũng
theo những ghi chép của nhà chùa, các tư tưởng, giáo lý của Thiền phái
Trúc Lâm đã là hành trang của nhiều tăng ni, phật tử lan tỏa trong cộng
đồng người Việt khắp thế giới.
Sự
kiện vinh danh Di sản ký ức thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được
UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận và sẽ được dịch sang
tiếng Việt và tiếng Anh là bước tiếp nối của một hành trình đưa tư tưởng
của Thiền phái Trúc lâm tới nhân loại – đó là một hành trình của nhân
văn./.
Nguồn: bacgiang.gov.vn
Nguồn: bacgiang.gov.vn