Tra cứu văn bản (Đánh số văn bản hoặc các từ cần tìm ví dụ 163/2006/NĐ-CP):

Tái cơ cấu ngân hàng: Phần khó còn lại

Tái cơ cấu ngân hàng được xem là có nhiều kết quả thực tế nhất. Sau giai đoạn đầu nóng bỏng thì phần tiếp theo có nguy cơ chậm lại khi đối mặt với những thách thức xuất phát từ lợi ích của từng ngân hàng, nhóm đầu tư
Đảm bảo tiến độ?


Tái cơ cấu ngân hàng trở nên quyết liệt nhất bắt đầu từ cuối 2011 với sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Ficombank vào cuối 2011.

Từ trước đó, khi hệ thống ngân hàng đối mặt nguy cơ về thiếu hụt thanh khoản, nhiều tổ chức yếu kém mất an toàn có nguy cơ đổ vỡ gây ảnh hưởng cho toàn hệ thống... Ngân hàng Nhà nước đã phải áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ và đối phó. Chính phủ cũng cam kết kiểm soát và hỗ trợ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng.

Dù vậy, giai đoạn vật lộn đó ít được nói đến, nó chỉ âm ỉ trong nội bộ và còn tái cơ cấu vẫn như là một định hướng dài hơi. Chỉ đến khi 3 ngân hàng đầu tiên buộc phải hợp nhất thì câu chuyện tái cơ cấu công khai và trở nên cởi mở hơn. Trong vụ này, Ngân hàng Nhà nước đã lần đầu tiên nói đến việc bơm hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ và số tiền đó có thể sẽ biến thành một phần vốn nhà nước tại các ngân hàng này.


Đầu 2012, Thống đốc Nguyễn văn Bình tuyên bố sẽ có 5 - 8 ngân hàng nằm trong diện hợp nhất hoặc cho mua bán lại. Nhiệm vụ chủ yếu của năm 2012 là tập trung tái cấu trúc TCTD yếu kém.

Ngay trước thời điểm tết nguyên đán, Tập đoàn vàng bạc Doji đã công bố trở thành đối nhà đầu tư chiến lược của TienPhongBank khi nắm giữ đến 20% cổ phần để tái cấu trúc ngân hàng này. Sau đó, một quá trình vận động để có được những sự đồng thuận giữa nhóm cổ đông cũ, mới và nhà đầu tư nước ngoài đế có thể phác thảo một kế hoạch tái cơ cấu đưa ngân hàng thoát qua giai đoạn khó khăn.

Đến cuối tháng 4, Đại hội cổ đông của Tienphongbank đã ghi nhận toàn bộ quá trình này. Các nhóm cổ đông đã thống nhất được với nhau thông qua việc bầu nhà đầu tư mới ông Đỗ Minh Phú vào vị trí chủ tịch, tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ ngay trong năm 2012.

Tái cơ cấu ở Tienphongbank tuy không ồn ào nhưng đã huy động các nguồn lực để tái cơ cấu nhưng vẫn duy trì được tổ chức độc lập. Tương tự, Ocean Bank cũng đã huy động thêm được nhiều nguồn lực kể cả nguồn lực từ nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo sự độc lập của mình mà không thông qua mua bán sáp nhập. Tất nhiên, trong cả hai trường hợp này thì đều có sự xáo trộn trong cơ cấu cổ đông, quản trị và chiến lược phát triển. Tuy nhiên, điều này không đáng ngại khi đó là một thông lệ trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã có những tiền lệ tốt từ VP Bank hay Viet Capital Bank

Trong khi đó, dù đã ồn ào khá lâu nhưng đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2012, vụ sáp nhập Habubank vào SHB đã diễn ra êm thuận, đại hội cổ đông của hai ngân hàng đã chấp thuận phương án Habubank sẽ được sáp nhập vào SHB. Vụ Habubank - SHB là một điển hình cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc mua bán, sáp nhập giữa một ngân hàng tốt với một ngân hàng đang có những khó khăn tạm thời để tìm tới một mẫu số chung của sự phát triển. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua sự kiện Eximbank và nhóm cổ đông mà mình đại điện đã thâm nhập thành công công vào Sacombank. Đó là một phần làm cho diễn tiến tái cơ cấu thêm sôi động và đa dạng.

Tuy nhiên, sau những thành công trên, đâu sẽ là thương vụ tiếp theo để có thể giải quyết nốt các nhân vật còn lại trong nhóm 5 - 8 ngân hàng đã được đề. Đã gần qua nửa đầu năm 2012, những thương vụ trên đây dù rất được chú ý nhưng mới chỉ là giai đoạn đầu để xử lý một phần nhỏ các tổ chức yếu kém trong toàn hệ thống. Trong khi đó, đòihỏi về tái cơ cấu trong đó tái cơ cấu các tổ chức tín dụng luôn là một chủ trương lớn và đòi hỏi phải đi trước.

Tái cơ cấu và thời điểm 'xét lại'

Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc phân loại 4 nhóm. Trong số đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cho biết có mươi tổ chức yếu kém, vi phạm, có nguy cơ đổ vỡ được sếp vào nhóm 4. Đây là các ngân hàng mất khả năng thanh toán, nguy cơ đổ vỡ, và phải tiến hành cơ cấu lại nên sẽ không có tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tiêu chí phân loại sẽ không cứng nhắc mà sẽ được xem xét lại sau 6 tháng dựa trên thực tế của mỗi ngân hàng. Điều này tạo ra hy vọng và đồng thời cũng chính là sức ép để các tổ chức chấn chỉnh và tái cơ cấu mình nhanh nhất.

Vì thế, cho đến nay khi đã gần kề thời điểm cuối cùng, điều người ta quan tâm nhất là sắp tới là những ngân hàng nào sẽ được xem xét, điều chỉnh và trong só 5 - 8 ngân hàng sẽ tái cơ cấu hay mươi ngân hàng yếu kém đỗ vỡ như đã từng tuyên bố kia hiện đang như thế nào và sẽ phải xử lý ra sao?.

Dù cho những con số trên là không cụ thể và tên tuổi các ngân hàng yếu kém không được công bố nhưng chính từ đó đã gây ra nhiều đồn đoán. Đi kèm với đó là những thông tin phỏng đoán và liên tục thay đổi về những thương vụ mua bán, sáp nhập đang được xúc tiến giữa giữa các đối tác với những ngân hàng này.

Trao đổi về câu chuyện này, một chuyên gia từ Ủy ban giám sát lại cho rằng, mọi việc đều phải chờ những thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc đặt ra những nghi vấn của dư luận là không phải không có lý do.

Nói về vấn đề này, vị chuyên gia này nêu một câu chuyện, hồi đầu năm, rất nhiều tổ chức đã khoe chỉ tiêu tín dụng của mình để như một cách giới thiệu về bản thân. Tuy nhiên, những con số đó cũng là nhiều cách công bố.

Một ví dụ, đầu năm nay, thông tin Ngân hàng Nam Việt (Navibank) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 2012 ở mức 15%, ứng với nhóm 2 theo cơ chế phân nhóm có thể gây hoài nghi trên thị trường. Nhưng, tại đại hội cổ đông ngày 3/6 tới đây, chỉ tiêu này tiếp tục được đưa ra như một sự khẳng định. Trong khi đó, GP Bank đang giới thiệu chỉ tiêu 17% ở nhiều chi nhánh nhưng đến nay ngân hàng này chưa Đại hội cổ đông và chưa công bố các thông tin hoạt động kinh doanh một cách chính thức.

Tương tự, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng thông tin chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến năm nay là 15%, ứng với nhóm 2. Song cho đến lúc này vẫn chưa đại hội cổ đông để thống nhất kế hoạch cho 2012. Hơn thế, Western Bank dễ bị hoài nghi bởi hồi tháng 3/2011 từng bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xử lý vi phạm vượt trần lãi suất huy động. Đây là một hạn chế khi xem xét phân nhóm giao chỉ tiêu tín dụng theo các tiêu chí mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó.

Từ câu chuyện xem xét lại chỉ tiêu tín dụng, soi lại kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy đây là một thời điểm rất nhạy cảm với các ngân hàng trong diện yếu kém. Qua vụ sáp nhập HBB vào SHB, thành công của Tienphongbank thì con số đó dù đã được rút xuống nhưng ít nhất vẫn còn khoảng 50% trong ước lượng "mươi" ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hay 5 - 8 tổ chức phải tái cơ cấu sáp nhập như đã nêu. Trong khi đó, những thông tin cho biết, cho đến thời điểm này vẫn còn khoảng 6 ngân hàng thương mại đang trong diện được giám sát toàn diện do yếu kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thậm chí, theo nhiều chuyên gia, trong các ngân hàng còn lại có những điểm trầm kha mà nếu không tái cơ cấu sẽ khó khắc phục một ông chủ bằng nhiều cách có mặt trong nhiều nhà bằng hay ông chủ và nhóm thân tín nắm giữ quá mức cho phép để chi phối các ngân hàng. Thậm chí, bên cạnh những nguy cơ về thanh khoản, nợ xấu, an toàn của hệ thống thì các ngân hàng yếu kém này đang xé rào quy định để cho vay với chính các DN mà các ông chủ ngân hàng hay những người liên quan của chủ sở hữu vay vốn với số lượng lớn.

Các chuyên gia tài chính lại bày tỏ lo ngại vì đang có những thách thức mới xuất hiện có thể kéo chậm tốc độ tái cơ cấu. Một tình huống mới xuất hiện là đến giai đoạn này, dưới sự hỗ trợ của nhà nước, các ngân hàng đã có thể thở phào khi thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, khi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất thì thông ít ông chủ đã có thái độ chờ xem để tìm cách giữ và tìm kiếm những lợi ích lớn nhất cho mình. Thậm chí không loại trừ thái độ mặc kệ hay ra điều kiện khi tái cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước cho biết hết sức tôn trong sự tự nguyện và sẽ hỗ trợ tối đa các ngân hàng trong tái cơ cấu. Tuy nhiên, trước đòi hỏi tái cơ cấu quyết liệt đã đặt ra thì bên cạnh sự tự nguyện thì mức độ can thiệp hợp lý để đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu. Bởi vì, tái cơ cấu không chỉ có các ngân hàng cổ phần yếu kém mà còn những đối tượng khác kể cả khu vực quốc doanh, các ngân hàng cổ phần hiện đang được cho là lành mạnh cũng như khu vực các công ty tài chính chưa hề được động đến... Điều đó cho thấy, phần còn lại hẳn là còn nhiều khó khăn.                                                                                                 Lê Khắc (Vietnamnet.vn)